Trở lại (Back)
  Yêu kiểu... ’’võ sĩ’’ (-Y)
Hạnh Phúc Gia Ðình Xin bấm vào đây để in trang này ra  
 
Từ trước tới nay người ta thường nghe nhắc tới bạo hành trong gia đình mà chưa mấy ai chú ý đến bạo hành xuất hiện và tồn tại ngay cả trong tình yêu. Khi nghĩ đến tình yêu, người ra thường hình dung ra những gì thơ mộng, đẹp đẽ và hạnh phúc… vậy mà có người đã mang cả lời thô tục và bạo lực vào trong tình yêu.

Trên một vài tờ báo đã xuất hiện những lá thư có nội dung đại loại như: Em đang rất khổ sở, giúp em với, em luôn bị người yêu mình hành hạ, đánh đập. Cứ ba, bốn ngày em lại bị một trận đòn của người yêu chỉ vì những lý do tức giận vô cớ: Em trễ hẹn, em không đồng ý cho anh làm việc này việc khác, em mặc những chiếc áo mà anh ta không thích…

Có lẽ trường hợp của bạn gái trên không phải là cá biệt. Trên đường phố, đôi khi người ta vẫn gặp cảnh: một đôi trai gái đang đi xe máy, chàng trai nhảy xuống tát vào mặt cô gái lia lịa, quát tháo bằng những lời thô tục. Cô gái ngã dúi xuống đường. Nhiều người đi đường cảm thấy bất bình, không thể tưởng tượng nổi tại sao anh ta lại có thể đối xử với bạn gái mình như thế. Còn chính bản thân cô gái thì chỉ biết khóc lóc, van xin.

Thật buồn hơn nữa khi trong số những nạn nhân đó có cả những cô gái đang là sinh viên. M là một sinh viên đại học, từ ngày yêu T, thỉnh thoảng lại thấy M đến lớp với đôi mắt sưng vù, cổ tay có vết bần tím. Bạn bè có hỏi thì M nói là bị ngã. Hỏi ra mới biết M luôn bị T kèm cặp, mọi cử chỉ hành động của M luôn bị T theo dõi. T luôn ghen tuông vô lối, hễ bắt gặp M đứng trao đổi với bạn trai nào là T liền tức tối "hỏi tội" và đánh đập M.

Có nhiều và nhiều hơn nữa những câu chuyện tương tự như thế, thậm chí còn khủng khiếp hơn. Đó là chưa kể những cô gái đã sớm trao thân cho người yêu thì sự hành hạ còn tệ hại hơn nhiều, vì đa số họ đều có cảm giác phụ thuộc vào người mình yêu. Còn những gã "ưa bạo lực" này thì luôn coi người yêu của mình như một vật sở hữu, muốn làm gì thì làm.

Phản ứng từ phía nạn nhân

Chuyện của những cô gái kể trên, hẳn nghe xong chúng ta đều cảm thấy bất bình thay cho họ và nghĩ đơn giản một điều: bỏ quách đi cho xong, lưu luyến làm gì hạng người ấy. Nhưng sự việc lại không đơn giản như thế, vì đa số những cô gái rơi vào tình trạng này đều là những người yếu đuối, cam chịu. H là một cô gái từng chịu sự ngược đãi của bạn trai mà vẫn cắn răng chịu đựng, cô cho rằng chỉ lúc nóng giận thì người yêu cô mới thế, còn bình thường thì anh ta rất yêu cô, và cô cũng rất hiểu và yêu anh ta. Bạn bè khuyên nhủ thế nào H cũng không thay đổi được cách nghĩ. Đó có thể là một tình yêu thực sự, nhưng phải chăng H đã thiếu tôn trọng chính bản thân mình?

Ngoài những người như H ra, đa số đều có những điểm chung: Họ không dám chia tay với những con người tệ bạc này, vì luôn luôn bị đe dọa bằng những lời lẽ khủng khiếp. Có những bạn gái may mắn thoát khỏi mối quan hệ tình cảm nhưng vẫn luôn sống trong tâm trạng lo sợ người kia đeo bám để trả thù.

Đa phần những anh chàng "ưa bạo lực" sau khi hành hạ bạn gái/vợ của mình đều tỏ ra ân hận và mong người yêu tha thứ, có người còn khóc lóc, van xin. Và rồi với tấm lòng vị tha, pha lẫn sự sợ hãi, cam chịu, các cô gái lại dễ dàng bỏ qua. Có thể sự hối hận của những chàng trai lúc này là thật lòng, nhưng chỉ được vài ngày là đã đâu vào đấy… Phải chăng, những người con trai này tự cho phép mình khi nóng nảy có quyền làm điều đó, và chỉ làm như vậy cô ấy mới biết sợ và nghe theo. Đó quả thực là một suy nghĩ sai lầm, hơn thế nữa, đó còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Bạo lực trong tình yêu là một nỗi đau, bởi người hành hạ mình lại chính là người mà mình yêu thương. Để tránh không mắc phải những mối quan hệ nguy hiểm kiểu này không gì bằng là mỗi bạn gái cần tìm hiểu kỹ đối tượng và khi có chuyện đó xẩy ra hãy nói cho bạn trai hiểu rõ mình không chấp nhận được điều đó. Bởi vì "bạo lực tình yêu" đến "bạo lực gia đình" là không hề có khoảng cách. Tương lai của bạn cũng như của con cái bạn không thể gắn liền với những “võ sĩ yêu” kiểu ấy.

Nguồn: TSBT
Ca/đồng dao & thơ Cùng bé ca hát Cùng chơi với bé Hạnh phúc gia đình
Kể chuyện bé nghe Phòng tranh Sổ tay phụ huynh Sức khỏe/dinh dưỡng